Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

2 posters

    Dựng lại hiện trường giết người trên xe lexus

    Admin
    Admin
    Adminstrator
    Adminstrator


    Nam
    Tổng số bài gửi : 703
    Age : 36
    Đến từ : H.O.U
    Hiện đang là : Student
    Sở trưởng : Design
    Registration date : 22/12/2007

    Dựng lại hiện trường giết người trên xe lexus Empty Dựng lại hiện trường giết người trên xe lexus

    Bài gửi by Admin Wed Mar 11, 2009 10:00 am

    Tội ác mang gương mặt thơ ngây
    Tại đồn Công An
    Dựng lại hiện trường giết người trên xe lexus 4
    Hiện trường cũ
    Dựng lại hiện trường giết người trên xe lexus 16_hien1301-400
    Không hoảng loạn, thậm chí cũng không hề run rẩy, Kim Anh cầm dao diễn
    tả lại tất cả những gì cô đã làm trong đêm 13/2. Trên đường từ hiện
    trường trở về trụ sở Đội Điều tra trọng án, cô cũng vẫn giữ được thái
    độ bình thường như thế. Thậm chí, khi điều tra viên Đặng Việt Quảng và
    Đại úy Nguyễn Thị Phương nói rằng muốn nghe cô hát vì biết ở Trường đại
    học cô là cây văn nghệ thì cô đã hát ngay trên ôtô bài hát của nhạc sĩ
    Hoàng Vân - “Bài ca người giáo viên nhân dân”.

    Đã hơn 3 tuần kể từ khi Công an Hà Nội tìm ra thủ phạm của vụ án giết
    người trên xe Lexus. Từ giảng đường đại học, Kim Anh cũng đã ngần ấy
    ngày phải bắt đầu sống cuộc sống sau song sắt của một người tù. Nhưng
    khác với lo lắng của nhiều người rằng, với tuổi đời còn quá trẻ, cô gái
    mang gương mặt ngây thơ ấy sẽ bị suy sụp khi cuộc đời bị đột ngột rẽ
    sang một ngã khác, đắng cay hơn, tăm tối hơn, Kim Anh trong những ngày
    đầu tiên tại Trại tạm giam Hà Nội vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường.
    Chỉ có điều duy nhất cô phàn nàn là cuộc sống trong trại tạm giam không
    được giống như ở nhà, phòng giam lạnh lẽo cô đơn quá mà cô thì từ bé
    đến lớn toàn ăn sung mặc sướng…
    Theo quy định của pháp luật, những đối tượng đã bị Đội Điều tra trọng
    án “sờ gáy” đều là tội phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
    Thế nên, trong căn phòng làm việc của Đội Điều tra trọng án ở trên tầng
    3 của ngôi biệt thự Pháp cổ số 7 Thiền Quang, trụ sở chính của Phòng
    CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hà Nội, hầu hết thủ phạm của
    những vụ án nghiêm trọng nhất ở Hà Nội đều đã phải đến đây và ở lại
    trong những ngày đầu tiên khi tội ác mới bị phát hiện.

    Cũng bởi vậy mà ở nơi căn phòng chật chội này, người ta đã được chứng
    kiến nhiều lắm những hoảng hốt, hoang mang, cay đắng, những dằn vặt,
    nuối tiếc, xót xa của những người đã trót sa lầy vào tội ác. Những diễn
    biến tâm lý của tội phạm nhiều khi không giống nhau, tùy vào tính cách
    và hoàn cảnh phạm tội nhưng nhìn chung họ đều giống nhau ở một điểm, ấy
    là sự hốt hoảng khi tội ác bị vạch mặt chỉ tên.

    Còn nhớ, trong vụ án giết người đốt xác ở Bạch Mai, thủ phạm là một bác
    sĩ tuổi ngoại tứ tuần. Đó là một người đàn ông đã từng bôn ba ở nước
    ngoài nhiều năm, đã từng trải qua một đời vợ và nhiều đời người tình.
    Có học và từng trải là thế nhưng khi bị Cơ quan điều tra gọi hỏi và đưa
    ra một vài chứng cứ thì dường như anh ta bị suy sụp hoàn toàn.

    Cũng tại căn phòng này, anh ta đã hốt hoảng đến mức gần như lịm đi sau
    khi thú nhận toàn bộ tội lỗi. Điều ấy cũng chả có gì là lạ bởi nó phù
    hợp với lẽ thường - “có tật, giật mình”, “gieo gió gặt bão”.

    Nhưng Kim Anh lại là một trường hợp đặc biệt. Cô gái trẻ với gương mặt
    ngây thơ ấy lại bình tĩnh đến lạnh lùng ngay từ cái đêm 19/2, khi Cơ
    quan công an đưa cô từ khu vực nhà người yêu về Đội Điều tra trọng án.
    Không hoảng hốt, cũng không suy sụp, lại có tri thức nên Kim Anh không
    quá khó khăn để bày ra hàng loạt những tình tiết ngoại phạm.

    Rằng, cái đêm xảy ra án mạng là đêm bước sang ngày lễ Tình nhân mà đối
    với một cô gái luôn coi tình yêu là thiêng liêng, thánh thiện như cô
    thì hà cớ gì mà cô lại chấp nhận qua đêm với một người đàn ông cô không
    còn tình cảm gì như anh Chính.

    Rằng, cái số máy điện thoại mà Cơ quan điều tra tìm thấy trong di động
    của anh Chính cô đã thôi không dùng từ trước đó rất lâu rồi. Rằng, cô
    chỉ là một cô gái yếu đuối không thể là một kẻ sát nhân...

    Bình tĩnh và tự tin, cô trình bày tất cả những điều ấy một cách rành
    rọt hiếm thấy. Cho dù các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm
    tội của Kim Anh đã quá rõ ràng và Cơ quan điều tra cũng chỉ cho cô thấy
    điều ấy, nhưng cô vẫn không thừa nhận bất kỳ một điều gì. Thức cùng với
    cô gần như trắng đêm ấy, các điều tra viên hầu như không bắt gặp trên
    gương mặt xinh đẹp của cô bất kỳ một sự hốt hoảng nào, dù là thoáng
    qua. Gần sáng, Đại úy Nguyễn Thị Phương động viên cô đi ngủ...

    Sáng hôm sau, cô tỉnh dậy. Người yêu của cô cũng đã tìm đến đây. Không
    bao giờ tin cô người tình ngây thơ bé bỏng là kẻ sát nhân, anh hối Cơ
    quan điều tra phải nhanh chóng trả tự do cho cô “để cô ấy còn đến giảng
    đường, còn đi thi vì cô ấy không có liên quan gì đến vụ án ghê rợn này”.

    Thần thoại Hy Lạp đã rất thông tuệ khi dựng lên hình ảnh vị thần Tình
    yêu là một cậu bé bị bịt một mắt. Sức mạnh thần kỳ của thứ tình cảm
    thiêng liêng liêng này có những khi tạo ra một thứ đức tin ngây thơ đến
    mù quáng.

    Kim Anh đã từng tâm sự với Đại úy Nguyễn Thị Phương rằng, người yêu cô
    và gia đình anh ấy không hề biết quá khứ không mấy tốt đẹp của cô,
    không biết rằng khi mới 18 tuổi cô đã từng là bồ nhí của một người đàn
    ông đã có vợ và có con trai đúng bằng tuổi cô. Trong mắt họ, cô là một
    cô gái danh giá, trí thức và xinh đẹp. Cô kể rằng, cô thường xuyên lui
    tới nhà người yêu, mẹ anh ta cũng quý cô như con gái chỉ chờ mấy tháng
    nữa cô ra trường là sẽ đón cô về làm dâu thảo vợ hiền.

    Quá khứ không mấy tốt đẹp kia Kim Anh khéo giấu đến độ cả mẹ đẻ cô cũng
    còn chả biết. Cho dù, bà cũng là một trí thức và theo những gì bà kể
    với Cơ quan điều tra thì bà cũng rất quan tâm đến con. Nhưng ngay cả bà
    cũng không biết gì về mối quan hệ trái đạo lý của con gái mình với anh
    Chính, dù TP Cao Bằng thì nhỏ mà hai gia đình lại ở không xa nhau lắm.
    Trong mắt bà, Kim Anh ngây thơ, “ngố” lắm. Con bé cả ngày chỉ biết học.
    Lớp 4 rồi mà cháu không phân biệt được đâu là con gà trống, đâu là gà
    mái; đâu là cây mía, đâu là cây tre.
    Trở lại câu chuyện của Kim Anh. Đã từng điều tra nhiều vụ án nghiêm
    trọng và đặc biệt nghiêm trọng nhưng trường hợp của Kim Anh có vẻ như
    là ngoại lệ. Ẩn giấu đằng sau gương mặt thơ ngây với đôi mắt sáng lấp
    lóa sau cặp kính cận là một người đàn bà máu lạnh.

    Theo quy luật tâm lý thông thường, sau khi thực hiện xong tội ác, kẻ
    sát nhân thường có thái độ bất bình thường mà thể hiện rõ nhất là buồn
    bã, âu lo, mất ăn mất ngủ, thậm chí có người sợ hãi đến mức tự tử hoặc
    bỏ trốn. Nhưng Kim Anh thì không.

    Ngay sau khi sát hại anh Chính một cách dã man, Kim Anh vẫn đi học bình
    thường, vẫn đi chơi với bạn bè và người yêu. Cuộc sống của cô bình
    thường như không thể bình thường hơn được nữa. Thế cho nên, thái độ của
    người yêu cô với Cơ quan điều tra buổi sáng hôm 20/2 cũng thực là dễ
    hiểu...

    Sau này, Kim Anh khai nhận với Cơ quan công an rằng, sau khi cứa cổ anh
    Chính, Kim Anh vẫn thấy anh ta lái xe bỏ đi, nghĩ rằng anh Chính chỉ bị
    thương nên đó có thể là nguyên nhân Kim Anh không có ý định bỏ trốn, mà
    chỉ chuyển nơi ở do sợ sau này sẽ bị trả thù. Nhưng điều này có vẻ
    không đáng tin vì chỉ ngay trong buổi sáng ngày hôm sau, hầu hết các tờ
    báo ở Hà Nội đều đăng tin về cái chết của nạn nhân.

    Vì thế, có một khả năng khác được suy đoán là khi biết tin anh Nguyễn
    Tiến Chính đã chết, biết chắc khả năng Cơ quan công an sẽ rà soát những
    người đang bỏ trốn khỏi nơi cư trú, nên Kim Anh đã cố gắng bình tĩnh và
    sinh hoạt như trước kia, tránh bị phát hiện. Nhưng cho dù suy đoán ấy
    có chính xác hay không thì việc một cô gái trẻ, chưa từng vào tù ra tội
    lần nào mà duy trì được thái độ bình thường sau khi đã thực hiện hành
    vi phạm tội dã man như cô quả là hiếm thấy. Điều ấy không chỉ chứng
    minh khả năng che giấu tội ác của cô mà còn cho thấy sự xuống cấp của
    đạo đức khi cô vô cảm trước tội ác của chính bản thân mình.

    Trở lại câu chuyện về cuộc điều tra. Sau một đêm bai bải chối tội,
    không thừa nhận bất kỳ một điều gì, sáng ngày 20/2, được Cơ quan điều
    tra động viên, thuyết phục, cô đã nhận tội với mong muốn sẽ được hưởng
    quy định của pháp luật về việc người phạm tội khai báo thành khẩn sẽ
    được khoan hồng. Nhưng cô đặt điều kiện sau khi khai báo phải được gặp
    người thân.

    Vì tình người và vì sự nhân đạo của pháp luật, Cơ quan điều tra đã đồng
    ý cho cô gặp tất cả những người mà cô cho là thân yêu nhất: cha mẹ
    ruột, mẹ người yêu. Đêm hôm đó, tại trụ sở Đội Điều tra trọng án, trong
    khi Đại úy Nguyễn Thị Phương và đồng đội của chị vì nhiệm vụ phải thức
    trắng đêm để trông giữ cô thì cô ngủ ngon lành, ngáy o o suốt đêm, bình
    thản một cách lạ lùng...

    Sáng ngày 21/2, Cơ quan điều tra tiến hành thực nghiệm điều tra. Theo
    đó, cô phải diễn lại hành động sát hại nạn nhân với sự chứng kiến, giám
    sát của Cơ quan điều tra và đại diện Viện Kiểm sát. Đồng thời, cô phải
    đến hiện trường là ngõ 279 Đội Cấn để chỉ địa điểm xảy ra vụ án.

    Các phương án bảo vệ hiện trường, giám sát chặt chẽ thủ phạm để tránh
    xảy ra những trường hợp đáng tiếc như thủ phạm bỏ trốn hoặc có vấn đề
    về sức khỏe, tính mạng (như ngất đi do quá sợ hãi, tự tử...) đã được Cơ
    quan điều tra tính toán rất kỹ lưỡng. Nhưng cô đã bình tĩnh một cách lạ
    kỳ khi diễn lại các hành vi tội ác.

    Không hoảng loạn, thậm chí cũng không hề run rẩy, cô cầm dao diễn tả
    lại tất cả những gì cô đã làm trong đêm 13/2. Trên đường từ hiện trường
    trở về trụ sở Đội Điều tra trọng án, cô cũng vẫn giữ được thái độ bình
    thường như thế. Thậm chí, khi điều tra viên Đặng Việt Quảng và Đại úy
    Nguyễn Thị Phương nói rằng muốn nghe cô hát vì biết ở Trường đại học cô
    là cây văn nghệ thì cô đã hát ngay trên ôtô bài hát của nhạc sĩ Hoàng
    Vân - “Bài ca người giáo viên nhân dân”.

    Thái độ bình thản của cô làm tôi chợt thắt lòng nhớ đến một người đàn
    bà phạm tội khác, trong vụ án đã từng xôn xao Hà Nội khoảng chục năm về
    trước. Đó là Nguyễn Thị Duyên (tức Quỳnh), kẻ đã ném một bé gái 3 tuổi
    là con riêng của chồng xuống sông Hồng vì ghen với quá khứ của chồng.

    Quỳnh có nhiều nét giống với Kim Anh: cùng là phụ nữ, cùng có học, cùng
    phạm tội khi còn rất trẻ. Quỳnh bị bắt khi mới 19 tuổi, đang học dở đại
    học và bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình khi 21 tuổi. Nhưng
    may mắn cho Quỳnh là vì cô phạm tội khi vừa mới sinh con được 3 tháng
    nên năm 1999, nhờ Nghị quyết 32 của Quốc hội quy định không tử hình đối
    với phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi Quỳnh đã được ân giảm
    xuống chung thân.

    Sau gần chục năm kể từ ngày Quỳnh được tha tội chết, trong một chuyến
    công tác tới Trại giam số 5 Thanh Hóa, nơi cô thi hành bản án tù chung
    thân, tôi đã gặp lại Quỳnh. Cô sọm đi nhiều so với ngày tôi gặp cô khi
    mới bị bắt. Đôi vai gầy nhô lên sau lằn áo tù kẻ sọc rộng thùng thình.

    Cô bảo, ở trại không quá khổ nhưng suốt ngần ấy năm cô luôn bị giày vò
    bởi những ám ảnh tội lỗi do mình gây ra nên cô không thể nào sống yên
    được. Mà không phải chỉ đến khi được ân giảm án tử hình rồi cô mới thế.
    Ngay từ lúc còn tạm giam để chờ xét xử, cô đã gửi một bức thư chứa chan
    nước mắt cho chồng tạ tội, rằng: “Trong lúc này đây em chẳng biết nói
    gì với anh cả... Không biết rằng cuộc đời em sẽ phải cách ly với xã hội
    một thời gian dài hay em sẽ vĩnh viễn phải ra đi mang theo mình bao
    nhiêu sự ân hận xót xa mà nợ đời này em không bao giờ trả được. Cứ mỗi
    ngày trôi qua là hai hàng nước mắt lại cạn dần đi”. Và rồi, sau đó,
    hàng chục năm đã trôi qua với bao nhiêu biến động đắng cay trong cuộc
    đời của một người đàn bà nhưng cô vẫn luôn luôn bị dằn vặt.

    Có lẽ vì thế mà Quỳnh không béo lên được. Cô chỉ nặng có 40 cân. Phần
    vì trại giam quá xa, phần vì tháng năm dài đằng đẵng làm cha mẹ cô mỏi
    mệt nên đã lâu rồi cô không được thăm nuôi, chỉ nhận được tiền và quà
    từ quê gửi lên qua đường bưu điện. Nhưng cô bảo rằng cô không dám đòi
    hỏi nhiều vì cô là một kẻ tội lỗi.

    Chồng cô cũng đã lấy vợ khác. Cô cũng không dám hờn giận gì vì “tội ác
    của em anh ấy làm sao mà tha thứ được”. Và, cô khóc. Đôi vai gầy rung
    lên từng chập: “Chị ơi, giá mà em chết được thì tội lỗi mới được giải
    thoát”. Tôi chợt thấy thương những giọt nước mắt cay đắng ấy và hiểu
    khi con người không vô cảm mà còn biết day dứt, biết ám ảnh về tội ác
    của chính mình là khi ấy họ còn hy vọng hoàn lương.

    Bằng không thì con đường hoàn lương sẽ trở nên xa ngái.
    Kevin
    Kevin
    Thành Viên
    Thành Viên


    Nam
    Tổng số bài gửi : 75
    Age : 36
    Đến từ : Vietnam
    Hiện đang là : SV
    Sở trưởng : Da bongPS2,thich nhung cai gi lien quan den toc do kinh di.............
    Registration date : 23/09/2008

    Dựng lại hiện trường giết người trên xe lexus Empty Re: Dựng lại hiện trường giết người trên xe lexus

    Bài gửi by Kevin Tue Apr 21, 2009 6:15 pm

    Da`i qua,doc mai diu thay het nen thui,de mai doc tip vay.........

      Hôm nay: Thu Mar 28, 2024 8:26 pm